
Làm sao để học khóa Content Marketing của Plato hiệu quả nhất?
Chào các bạn, các anh chị, tôi là Đỗ Thị Thanh Phương, cựu học viên khoá Content Marketing 01. Công việc chính của tôi là làm chiến lược & thực thi content. Tôi đã học tất cả các khoá của Plato trước khi bắt đầu thêm một công việc nữa là làm Giám đốc Học viện từ (đầu năm 2020). Theo tôi, đây là khoá học rất đặc biệt vì vài lý do:
- Học ngày nào về dùng – sửa sai ở doanh nghiệp ngày đấy. Tôi đã hoàn thành xong một dự án content cho khách hàng sau khoá tôi học và có kết quả là 80% từ khoá chiếm top Google.
- HLV khoá này khác biệt. Thầy đang làm lãnh đạo một lúc nhiều công ty nhất trong số các HLV của Học viện. Có công ty 6-7 năm, có công ty non trẻ, có công ty với hơn 100 nhân sự, có công ty khởi nghiệp chỉ 3 người. Nên những gì thầy tư vấn luôn sát sườn với các mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Thầy trẻ và “bao lầy”.
Nội dung
Ai phù hợp với khoá Content Marketing? Có cần biết kỹ thuật Digital Marketing (SEO, quảng cáo Google, Facebook…) mới học không?
Khoá này phù hợp với:
- Chủ doanh nghiệp, CEO, CMO – level cần hoạch định chiến lược và quản trị chiến lược thương hiệu, marketing và content
- Trưởng nhóm digital marketing muốn học content để nâng hiệu quả lâu bền lâu
- Chuyên viên content kinh nghiệm 2 năm trở lên
Khóa học mang tính chất định hướng để mọi người lên chiến lược và kế hoạch lâu dài cho content. Content sẽ là thứ ta cần làm chủ. Vì thế chúng ta không nhất thiết phải biết kỹ thuật chạy quảng cáo, SEO, Fanpage… Bản thân tôi, dù có một công ty Content Marketing, trực tiếp làm cả chiến lược và thực thi, cũng không biết nhiều và không phụ thuộc vào kỹ thuật.
Tuy nhiên, điều chúng ta cần có là trải nghiệm kinh doanh, marketing, thương hiệu, sales… Bạn có thể từng thất bại hoặc đang thành công, nhưng miễn là bạn “đã từng” thì sẽ phù hợp. Nếu không, bỏ thời gian 8 buổi quý báu ra là hoàn toàn lãng phí!
Cần chuẩn bị những gì trước khi học?
Thường thì mọi người sẽ có những băn khoăn như sau:
- Ai cũng nói về content, mà tôi cũng thấy mình cần, nên tôi đi học. Chứ tôi chẳng hiểu Chiến lược Content là gì và vì sao lại cần nó?
- Tôi có chiến lược thương hiệu rồi, và đang tìm kiếm cách để thực thi, thể hiện nó bằng content
- Nghe nói là content rất khó và phải làm lâu lâu mới hiệu quả.
- Tôi hay bị bí ý tưởng, nhiều khi chả biết đăng cái gì lên page
- Hôm nào trend gì thì chúng tôi bắt trend như thế, page của chúng tôi phong phú vui vẻ lắm. Tôi muốn xem làm như vậy có hiệu quả không?
- V.v….
Nhu cầu học hỏi về content khá đa dạng. Điều đầu tiên, bạn hãy chọn cho mình một mục tiêu cụ thể, thiết thực. Hãy đặt thật nhiều câu hỏi cụ thể hơn trước và trong khi học, mang câu hỏi đó ra trao đổi với thầy và đồng môn. Tôi tin là bạn sẽ “nhặt” được đầy ắp những điều hữu ích.
Thứ hai, bạn hãy trang bị kiến thức về: định vị thương hiệu, insight khách hàng….
Thứ ba, hãy thử đo lường hiệu quả content của doanh nghiệp bạn rõ ràng: Một bài dạng bán hàng đăng lên thì hiệu quả ra sao, một bài muốn tương tác đăng lên thì thế nào? v.v….
Thứ tư, rà soát kỹ lại content trên các kênh hiện có của bạn: Website, Youtube, Zalo, Fanpage, thậm chí cả trang cá nhân của thành viên công ty nếu như bạn có dùng để bán hàng: xem hiện nay nhân viên của mình đang làm content như thế nào, có nhất quán không hay mỗi kênh một “giọng”, có kế hoạch không….
Format huấn luyện
Bạn thấy đấy, với format này, bạn sẽ bắt tay vào giải bài toán kinh doanh thật sự. |
Nên đọc những cuốn sách content marketing nào?
- 22 quy luật bất biến trong xây dựng thương hiệu – Al Ries
- Kế hoạch Marketing trên một trang giấy – Allan Dib
Có một điều rất thú vị là nhóm nào có phát hiện hay hoặc câu trả lời xuất sắc sẽ được “phần thưởng” là …một cuốn sách. Mua một cuốn sách là việc chẳng có gì khó khăn với các doanh nhân, nhưng được tặng sách trước lớp là một…”khát khao” khi bạn đã thực sự bước vào “cuộc đua”.
Cách học nào phù hợp?
Mỗi người sẽ có một cách học khác nhau. Nhưng qua thực tế và quan sát của tôi thì….
Điều quan trọng nhất là nghĩ về mục tiêu ban đầu và cách áp dụng kiến thức đang học vào thực tế. Nhiều người đã “gặt hái” ngay trong khoá học bằng cách học đến đâu, làm ngay đến đấy ở doanh nghiệp mình.
Học ở Plato là học những kiến thức bài bản nhất theo chuẩn quốc tế về marketing nhưng học để áp dụng ngay vào công việc.
Chọn casestudy như thế nào?
Về điểm này, hãy tin tôi, nó là điều quan trọng quyết định rất nhiều đến hiệu quả khoá huấn luyện. Plato sẽ yêu cầu các nhóm thực hành trên chính case thực tế. Nếu case của học viên nào được nhóm chọn để trình bày tốt nghiệp thì bạn sẽ có cơ hội rất lớn:
- Được các thành viên trong nhóm xây dựng chiến lược. Có mấy khi doanh nghiệp “thuê” được từng ấy “bộ óc siêu việt” về làm cán bộ?
- Ngày tốt nghiệp được các học viên trong lớp góp ý, và đặc biệt, được thầy tư vấn
- Có cơ hội được chia sẻ tâm huyết của mình và sự khác biệt của sản phẩm đến cả lớp. Có thể đó chính là những khách hàng – đối tác tiềm năng của bạn.
- Có thể “mang về” một bản chiến lược chất lượng mà không hề phải đi thuê tư vấn
Thế nên, hầu như buổi đầu thảo luận chọn case, ai cũng muốn thuyết phục nhóm chọn case của mình. Nhưng, nhóm nên chọn thế nào đây?
Với kinh nghiệm học và chứng kiến rất nhiều nhóm học của mình, mình nghĩ các bạn nên:
- Chọn case nào mà chủ case có quyền quyết định ở doanh nghiệp. Dù thế nào thì chủ case sẽ là người đóng góp quan trọng vào sự thành công của bài thuyết trình. Người có quyền quyết định sẽ biết nên chia sẻ thông tin nào, sâu đến đâu… Thậm chí, họ còn huy động thêm nhân sự trong doanh nghiệp hỗ trợ để nhóm có đủ tư liệu làm việc. Nhiều nhóm mà mình biết đã đến thăm doanh nghiệp chủ case, trải nghiệm sản phẩm để làm bài tốt nhất.
- Điều quan trọng nữa là chủ case cam kết …ít nghỉ học. Có những khoá chủ case nghỉ đến ⅔ số buổi, bỏ lại nhóm…bơ vơ.
- Chúng ta chọn case để tất cả được học thực tế, chứ không chỉ chọn case “nghe cho hay”, nên dù không đạt kết quả cao trong buổi tốt nghiệp, thì một case có sẵn các điểm hay và dở sẽ là case học được nhiều nhất. Với những case như thế, vai trò của các thành viên khác cũng được nâng cao, khi chúng ta cùng ý thức rằng mình đang giúp chủ doanh nghiệp một việc cực kỳ ý nghĩa.
- Case doanh nghiệp lớn hay nhỏ không quan trọng, quan trọng là doanh nghiệp đó đã có nhiều trải nghiệm kinh doanh hay chưa. Chọn một sản phẩm mới nằm trong ý định thì sẽ không có căn cứ nào để làm chiến lược. Và nếu có làm, thì chiến lược đó cũng không thực tế.
- Nhiều doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ phức tạp, khó hiểu, tính chuyên môn cao. Nhưng nếu bạn cung cấp đủ tư liệu về ngành, về sản phẩm; thuyết phục nhóm bằng tất cả sự đam mê thì đó vẫn là một case giá trị.
Làm bài tập nhóm như thế nào?
Ở Plato, cái gọi là “bài tập” không thật sự là bài tập. Nó là bài toán kinh doanh có thật của từng doanh nghiệp.
Teamwork thật sự
Vince Lombardi đã từng nói đại ý teamwork không phải là “cả nhóm cùng làm” một cách chung chung, mà là sự cam kết của mỗi cá nhân trong một nỗ lực nhóm. Mỗi lần thuyết trình tốt nghiệp, chúng tôi cực kỳ dễ dàng nhận ra những nhóm teamwork và những nhóm chỉ có số ít cá nhân làm bài. Như vậy quá thiệt thòi cho số đông trong nhóm vì cũng đi học mà các bạn lại mất đi cơ hội thực hành.
Vai trò của chủ case và thực tế kinh doanh
Vì vậy, sau khi đã tìm được chủ case “có tâm”, tốt nhất là hãy làm và dùng các kết quả nghiên cứu thật, trên một số lượng đủ lớn để đưa ra các kết luận và quyết định chiến lược.
Phân bổ thời gian
Một điều không kém phần quan trọng là 10 buổi huấn luyện trôi qua rất nhanh. Hãy học đến đâu, làm đến đó thì ngày tốt nghiệp các bạn không bị “cập rập”. Đừng “đổ tại” cho việc thiếu thời gian, đơn giản là bạn chỉ chưa phân bổ thời gian hợp lý mà thôi.
Những thuật ngữ hay sử dụng
Những thuật ngữ này quả là dễ dàng với dân marketing, nhưng nhiều anh chị chủ doanh nghiệp có thể bỡ ngỡ.
Đừng lo, đơn giản chỉ là công việc của bạn chưa cần biết những thuật ngữ này. Nhưng nếu nắm được thì bạn sẽ dễ tiếp thu hơn.
- Insight: Đây là một khái niệm khó có thể dịch sát nghĩa, dù đa phần được gọi là “sự thật ngầm hiểu” về khách hàng. Nó có thể được hiểu là những suy nghĩ, mong muốn ẩn sâu bên trong ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của Customers/Consumers. (Đọc thêm về: Cách tìm insight)
- Định vị thương hiệu: Theo Philip Kotler, định vị thương hiệu là tập hợp các hoạt động nhằm tạo ra cho sản phẩm và thương hiệu một vị trí xác định (so với đối thủ cạnh tranh) trong tâm trí của khách hàng (Đọc thêm về một chiến lược định vị thương hiệu: Chiến lược khác biệt hóa)
- Hình mẫu thương hiệu: Thương hiệu cũng giống như một con người, và khi nghĩ về một thương hiệu nào đó cũng giống như chúng ta tưởng tưởng về một người với diện mạo, khuôn mặt, giọng nói, tuổi tác, chiều cao, phong cách,…
- …. (Chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung theo ý kiến của các bạn)
Bài viết này sẽ liên tục được cập nhật mỗi khi chúng tôi học hỏi được thêm cách học và cách áp dụng của các học viên để giúp anh chị học khóa Content Marketing hiệu quả nhất. Khi có thêm ý tưởng, hãy comment cho chúng tôi, bạn nhé.
TÁC GIẢ:
![]() | HLV Đỗ Thanh Phương Giám đốc điều hành Học viện Thương hiệu Plato Cựu học viên lớp CM01 Chị Phương từng có 9 năm là BTV, tổ chức sản xuất của đài truyền hình VTC. Ngoài ra, chị đảm nhận song song vị trí Giám đốc Chiến lược nội dung của Red Monsters – Agency tiên phong trong tư vấn và thực thi Chiến lược Content Marketing. |
Bình luận