tư duy chiến lược

Tư duy chiến lược

Theo định nghĩa ngắn gọn của Kenichi Ohmae, tư duy chiến lược là “kết hợp của phương pháp phân tích và độ nhạy cảm trực quan”. Ông Kenichi được tạp chí The Economist bình chọn là một trong 5 bậc thầy chiến lược hàng đầu thế giới. Cuốn sách “Tư duy chiến lược gia” (The mind of the strategist) của ông là tài liệu nên đọc dành cho các CEO và những người liên quan đến lĩnh vực quản trị chiến lược. Dù chưa đến mức xuất sắc (theo quan điểm cá nhân) như được ca ngợi, tôi khá thích một số góc nhìn thấu đáo của tác giả. Tư duy chiến lược là một ví dụ. Khi nói một lãnh đạo có tư duy chiến lược, ông ta cần hội tụ cả hai yếu tố: tính khoa học logic (đến từ quá trình học tập, chiêm nghiệm, trải nghiệm) và độ nhạy khi đối diện các vấn đề chiến lược quan trọng (tư chất cá nhân).

Vốn thích những gì có tính logic, tôi rất khâm phục những người có năng lực tự học, tự đúc kết thành nguyên lý, quy luật công thức để đạt mục tiêu. Đặc thù nghề tư vấn chiến lược là làm việc trực tiếp với các doanh chủ, những người có thiên hướng thiên về não trái, lấy phân tích logic để giải quyết các vấn đề quản trị doanh nghiệp. Các nhà sáng lập kiêm điều hành từ thế hệ 6x, 7x đến các bạn trẻ thời AI, tất cả đều có mẫu số giống nhau về khả năng quan sát, phân tích, đúc kết tổng hợp. Tuy nhiên, điều khá thú vị là với nhiều quyết định chiến lược lớn, mang tính bước ngoặt, nhiều người chia sẻ họ thường dựa vào mách bảo của trực giác. Các quyết định này thường vấp phải sự phản đối từ nội bộ với phản biện quen thuộc: phi logic, khó hiểu, khác người.

Khi đối diện với những tình huống chưa có tiền lệ, không phải bao giờ cũng theo thứ tự một cộng một bằng hai. Một lần nữa, nhận định của Kenichi khá xác đáng:

Chiến lược kinh doanh thành công bắt nguồn từ cách tư duy khác biệt, không phải từ phân tích khắt khe. Các chiến lược xuất sắc, cũng như các công trình nghệ thuật lớn hoặc phát minh khoa học vĩ đại luôn bắt nguồn từ nhận thức, điều vượt qua tầm với của phân tích.

Từ chiến lược (strategy) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp (strategos) với ý nghĩa là lãnh đạo quân sự (army leader). Hàm ý của chiến lược là đạt mục tiêu chiến thắng. Các nhà quản trị chiến lược cho rằng nếu không có chiến tranh (quân sự) hoặc không có cạnh tranh (đời thường) sẽ không cần chiến lược. Để chiến thắng, nhất là trận chiến lớn, vai trò tư chất trí tuệ và nhạy cảm cá nhân dường như là yếu tố tiên quyết. Các nhân vật lịch sử danh tiếng như Alexander đại đế, Julius Caesar hay vị tướng tài ba xứ Carthage là Hannibal đều là những bộ óc chiến lược kiệt xuất. Họ bộc lộ trí tuệ đáng kinh ngạc, nhất là ở những trận đại chiến quan trọng. Với Alexander là trận Gaugamela năm 331 TCN đại thắng vua Ba Tư Darius; với Julius Caesar là trận Pharsalus đánh bại kình địch Pompey dù quân số chỉ bằng phân nửa, còn với Hannibal là những quyết định khác người hành trình vượt núi Alps đánh thẳng vào hậu phương La Mã. Trực giác cá nhân đóng vai trò khá lớn tại thời khắc họ ra các quyết định lúc ban đầu bị nghi ngờ là phi logic, khó hiểu, khác người.

Làm việc với các lãnh đạo doanh nghiệp, khoảnh khắc tôi thấy thú vị nhất (và cũng căng thẳng nhất thời mới vô nghề) là khi họ lên tiếng về lựa chọn ý tưởng lớn chiến lược. Cách các doanh chủ ra quyết định giống tình huống của một tướng quân sự trên chiến trường. Độc lập & quyết đoán. Tiến, lùi hay đứng yên? Làm hay không làm? Chỉ có một lựa chọn. Sai cách tiếp cận, chọn sai đường sẽ gặp rắc rối lớn khâu thực thi. Dù doanh nghiệp tập đoàn lớn đa ngành chục nghìn người hay chỉ là doanh nghiệp SME đơn ngành vài chục người, tư duy chiến lược của các tham mưu trưởng đều đáng học hỏi. Cả phương diện tính logic trong phân tích nhận định lẫn sự tinh nhạy của cái gọi là trực giác lãnh đạo. Khi cầm lái, người thuyền trưởng hiểu sâu sắc và biết ưu tiên cho mục tiêu quan trọng nhất tổ chức đang cần. Dở nhất của người làm chiến lược là mơ hồ về mục tiêu hoặc ôm đồm quá nhiều mục tiêu một lúc.

Sự quyết đoán đến từ khát vọng lớn lao (aspiration), sâu sắc về tầm nhìn (vision), đam mê về sứ mệnh (big why) và đặc biệt tư duy chiến lược (strategic mindset). Thiếu một trong các yếu tố này, nhà lãnh đạo dễ chần chừ khi đối diện với bài toán chiến lược quan trọng.

Tác giả
Huấn luyện viên Nguyễn Đức Sơn
Sáng lập & Giám đốc chiến lược Interloka – Agency tư vấn chiến lược thương hiệu
Huấn luyện viên khóa Xây dựng & Quản trị thương hiệu dành cho lãnh đạo và khóa Content writing for leadership

Bình luận