Câu chuyện học viên – Dược phẩm Đông Tây

CÂU CHUYỆN HỌC VIÊN – DƯỢC PHẨM ĐÔNG TÂY

5 NĂM NỖ LỰC “CHUYỂN MÌNH” TỪ MARKETING TRUYỀN THỐNG ĐẾN MARKETING ONLINE

Cô Lê Thị Biên là cựu học viên đã tham gia nhiều khóa học tại Plato. Học viện luôn ấn tượng đối với hình ảnh người phụ nữ luôn luôn nhiệt huyết, “cháy” trong mọi hoạt động từ công việc, học tập cho đến cuộc sống.

Học viên Lê Thị Biên – Giám đốc công ty Dược phẩm Đông Tây tại lớp học

“Câu chuyện doanh nghiệp” mới mẻ về một case-study điển hình trong ngành Dược: Thay đổi như thế nào để tồn tại và phát triển?. Bài viết sẽ mang đến cho bạn đọc góc nhìn chuyển mình từ Marketing truyền thống sang Marketing online để thích ứng với sự thay đổi mạnh mẽ của Marketing ngành dược, cũng như những chia sẻ của cô sau gần 3 năm áp dụng những kiến thức được học vào công việc.

Chào cô Biên, lời đầu tiên, Học viện Plato cảm ơn cô Biên đã nhận lời chia sẻ trong chuyên mục “Câu chuyện cựu học viên”. Được thành lập từ năm 2007, đến nay công ty dược Đông Tây đã có 12 năm kinh doanh trong lĩnh vực Dược phẩm/Thực phẩm chức năng, vậy cô có thể chia sẻ về các hoạt động Marketing của công ty ở quãng thời gian này được không?

Bạn thấy đấy, chỉ trong vài năm gần sự phát triển mạnh mẽ của Marketing online và Digital Marketing đã làm thay đổi sâu sắc đến cách thức làm Marketing ngành dược. Trước đây, các hoạt động Marketing Đông Tây khá đơn giản trên các kênh truyền thống như báo giấy, phát thanh, truyền hình, giới thiệu sản phẩm tại các hội, các CLB bệnh nhân, người cao tuổi và mỗi năm làm vài chương trình dành cho nhà thuốc. Thời điểm đó chúng tôi ít chú trọng đến Marketing online, đơn giản vì khi đó mình chưa hiểu biết nhiều về loại hình này.

Khi có sự dịch chuyển rõ rệt nhất của Marketing ngành dược từ truyền thống sang Marketing online & Digital Marketing, bắt đầu mình cảm thấy “chơi vơi” và thấy rằng cần phải có hành động cụ thể nếu không muốn bị “chìm nghỉm” khi thị trường bắt đầu thay đổi.

Cô Lê Thị Biên và các cộng sự tại Công ty Dược phẩm Đông Tây

Vậy cô & công ty Dược Đông Tây đã làm gì để có thể thích nghi với hình thức Marketing số (Digital Marketing) đang bắt đầu phổ biến và làm thay đổi thị trường?

Đầu tiên là tôi đi học để hình dung ra Digital Marketing là gì và Marketing online khác với Marketing truyền thống ở chỗ nào để hình dung ra thứ tự công việc cần phải làm. Khi bắt đầu vỡ ra một chút về Marketing online (một phần của Digital Marketing) chứ chưa thực sự hiểu hết về Digital Marketing, Đông Tây bắt tay vào việc cơ cấu lại nhân sự, đồng thời từng bước xây dựng nền tảng cho các hoạt động tiếp thị kỹ thuật số như Web, SEO, quảng cáo online, Youtube, Social.

Tuy nhiên, thực tế ban đầu triển khai chúng tôi khá là lúng túng, cứ vừa làm vừa hỏi, mắc đến đâu thì mình và nhân viên lại đi học. Năm 2012 Đông Tây cho nhân sự đi học về SEO, về quảng cáo Facebook, nhưng việc áp dụng kiến thức đã học vào thực tế không đơn giản. Vì vậy,  năm 2014, tôi đã mời thầy Mai Xuân Đạt sang công ty để đào tạo lại quảng cáo Facebook và về cách thức làm SEO phòng Marketing. Đồng thời cho nhân sự phụ trách quảng cáo sang học hỏi thêm về cách đo lường hiệu quả trên các kênh tiếp thị kỹ thuật số. Khi đó cả tôi và nhân viên hiểu ra vấn đề hơn một chút, nhưng cho đến nay thì Digital Marketing vẫn là một ẩn số và chúng tôi vẫn phải tiếp tục học hỏi.

Sản phẩm của công ty Dược Đông Tây đã có mặt hầu hết tại các nhà thuốc trên khắp các tỉnh thành

Lý do nào khiến cô lựa chọn học tại Học viện Thương hiệu Plato và khóa học đầu tiên cô lựa chọn là gì?

Khi có sự trợ giúp của các công cụ phân tích về thị trường, đối thủ, hành vi khách hàng…, từ Digital Marketing, để khuyến khích người dùng tương tác với thương hiệu, giúp tìm kiếm khách hàng tiềm năng và bán sản phẩm tốt hơn, với chi phí thấp hơn. Tôi bắt đầu tìm kiếm các lớp học về content. Đầu năm 2017 tôi đăng ký học lớp Copywriting của thầy Nguyễn Đức Sơn.

Sau khóa học tôi thấy mở mang ra được nhiều thứ, copywriting không đơn giản chỉ là viết. Với mỗi nội dung viết cần phải đối chiếu lại định vị, tính cách thương hiệu của mình, từ đó đưa ra kĩ thuật viết cho phù hợp với insight khách hàng chứ không phải chỉ là những mưu mẹo trong việc giật tít câu view.

Sau 4 khóa học tại Plato, kiến thức nào cô cảm thấy tâm đắc nhất?

Đối với riêng tôi, khóa học nào ở Học viện Plato cũng đều hay và ứng dụng được vào thực tế của công ty đang “đói kiến thức về Marketing online” như chúng tôi. Kiến thức tôi tâm đắc nhất trong 4 khóa học có lẽ là Insights khách hàng. Qua mỗi khóa học, từ Brand – Xây dựng thương hiệu, đến khóa Insights chuyên sâu, và cuối cùng là khóa Actionable Marketing – Marketing thực chiến. Kiến thức về Insights – thấu hiểu tâm lý khách hàng được “vỡ” dần ra và giúp chúng tôi nhìn nhận rõ nét về Insights và tầm quan trọng của nó trong tất cả các hoạt động Marketing.

Trong khóa Actionable Marketing – Marketing Thực chiến,  thầy cô cũng lấy ngay case-study của các học viên khác, phân tích vấn đề rồi đưa ra giải pháp. Điều đó giúp mình hiểu hơn về nguyên tắc, về kỹ năng khi lập một kế hoạch Marketing. Những kiến thức mà thầy Nguyên, cô Duyên mang lại rất hữu ích, vì đó đều là những kinh nghiệm thầy cô đã tích lũy được trong thực tế. Khóa học đó giúp tôi vỡ ra nhiều điều, những điều phải trải qua kinh doanh trong nhiều năm, giờ mình mới thấm thía.

Cau Chuyen Hoc Vien Duoc Pham Dong Tay 33

Cô Lê Thị Biên và các bạn học tại khóa Branding 30 – Xây dựng và Phát triển thương hiệu bền vững

Theo cô, insight chung của khách hàng ngành Dược phẩm là gì?

Theo quan điểm của cá nhân tôi, trường phái insights của khách hàng trong ngành Dược thường là “nỗi sợ”. Tuy nhiên, nỗi sợ này ở mỗi người bệnh/mỗi nhóm khách hàng cụ thể rất khác nhau. Ngay cả với một người bệnh thì ở mỗi giai đoạn điều trị họ lại có những nỗi sợ khác nhau. Ứng với mỗi nỗi sợ đó là một mong muốn khác nhau.

Tôi ví dụ, ở người bệnh tiểu đường mới được chẩn đoán, họ sợ phải uống thuốc tây lâu dài gây hại gan, thận, sợ phải ăn kiêng khem khổ sở. Vẫn là họ ở thời điểm 5 – 10 năm sau khi chẩn đoán, nỗi sợ của họ lúc này không phải là uống thuốc nữa mà sợ biến chứng tiểu đường, sợ đột quỵ khi thấy tăng huyết áp, sợ suy thận phải chạy thận suốt đời. Điều này đòi hỏi người làm Marketing, làm nội dung phải tìm ra được nhu cầu thầm kín đó.

Cô có lời khuyên gì dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực Dược phẩm để phát triển một cách bền vững hay không?

Tôi nghĩ không chỉ riêng ngành Dược, trong ngành nào cũng cần sự thích nghi với thời cuộc, liên tục tìm tòi và học hỏi để cập nhật các xu hướng mới, nhất là thấu hiểu insights khách hàng để có được chiến lược Marketing, xây dựng Thương hiệu phù hợp và hiệu quả nhất cho không chỉ nhãn hàng mà còn cho cả thương hiệu của doanh nghiệp.

Cảm ơn cô Biên đã nhận lời chia sẻ với Học viện! Chúc cô thật nhiều sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống. Hi vọng bài viết đã mang lại góc nhìn mới mẻ về sự chuyển đổi để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của Marketing truyền thống khi có sự xuất hiện của Digital Marketing đối với các doanh nghiệp trong ngành Dược.    

MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ CÔNG TY DƯỢC PHẨM ĐÔNG TÂY

  • Công ty được thành lập từ năm 2007 với định hướng trở thành công ty tiếp thị thực phẩm chức năng chuyên nghiệp, lựa chọn dòng thực phẩm chức năng chuyên biệt dành cho các bệnh mãn tính.
  • Đến nay sau 12 năm hoạt động, Sản phẩm của Đông Tây đã có mặt tại hầu hết các nhà thuốc đạt chuẩn GPP ở khắp các tỉnh thành; nhà thuốc bệnh viện lớn tại Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh lân cận và đạt được nhiều giải thưởng quan trọng.
  • Giám đốc công ty Dược phẩm Đông Tây – cô Lê Thị Biên đã học tại Học viện Thương hiệu Plato từ năm 2017 với các khóa học Copywriting, Branding, Insight, Actionable Marketing.

 

Bình luận