
Giá trị cốt lõi là gì? Vì sao không thể thỏa hiệp?
“Core values serve as its cultural cornerstones. Core values can never be compromised, either for convenience or short-term economic gain”.
(Các giá trị cốt lõi đóng vai trò là nền tảng văn hóa. Giá trị cốt lõi không bao giờ có thể bị tổn hại, vì sự thuận tiện hay lợi ích kinh tế ngắn hạn).
Patrick Lencioni, Harvard Business Review
Nội dung
Bản chất của giá trị cốt lõi là gì?
Niềm tin cốt lõi cá nhân (personal core belief) là gốc của giá trị cốt lõi văn hoá doanh nghiệp (corporate core values). Đa số doanh nghiệp đều phân tích khá kỹ các tiêu chí mang tính logic khi tìm giá trị cốt lõi.
Để trả lời cho câu hỏi vì sao giá trị cốt lõi không thể thoả hiệp, cần phải trả lời một câu hỏi quan trọng: làm thế nào để biết giá trị cốt lõi thực sự là giá trị cốt lõi?
Câu hỏi liên quan ý thức (conscious) cho doanh nghiệp, nhưng để trả lời lại liên quan đến quy luật của vô thức (unconscious), hoàn toàn mang tính cá nhân: trong tâm thức của CEO đã tồn tại niềm tin cốt lõi nào không thể thỏa hiệp trong cuộc sống đời thường?
Nói là vô thức bởi niềm tin cốt lõi trong tiềm thức này có thể không nói ra, không hiện diện trong tuyên ngôn về bộ giá trị cốt lõi của tổ chức, nhưng khi chạm đến nó, lãnh đạo sẽ tự động phản ứng dữ dội và dĩ nhiên, không bao giờ thỏa hiệp!
“Cha tôi làm việc 60 tiếng mỗi tuần, cuộc sống của ông thật nghiệt ngã lam lũ. Phải lao động chăm chỉ đã trở thành mệnh lệnh thấm vào xương tuỷ tôi. Tôi luôn khó chịu với những người không nỗ lực hết mình trong công việc.”
Đừng ngạc nhiên khi CEO trên coi lao động chăm chỉ là lẽ sống. Sự lười biếng & hời hợt sẽ không bao giờ có đất sống với tổ chức ông ấy điều hành.
Bản chất của văn hóa doanh nghiệp
Văn hoá doanh nghiệp là nền tảng gốc mang lại động lực & truyền cảm hứng cho chính những chủ thể tạo ra nó. Văn hoá doanh nghiệp dù có chủ đích hay không, đã hiện diện trong con người của tổ chức ngay từ thời điểm doanh nghiệp mới hình thành. Tôi không cho rằng văn hoá doanh nghiệp có thể tạo ra sự thay đổi nhanh chóng, như tăng trưởng chẳng hạn. Văn hóa doanh nghiệp không phải là một kiểu công cụ như mô hình kinh doanh để tăng trưởng khác biệt đột phá trong ngắn hạn. Văn hóa doanh nghiệp không phải là thuốc bổ hay đồ ăn bổ dưỡng để lớn nhanh. Văn hóa doanh nghiệp là món ăn bình dân ta ăn hàng ngày, đều đặn, không quá đặc biệt nhưng không thể thiếu. Cái gì chưa phải nhu cầu thường xuyên, không thành nhu cầu tự nhiên như hơi thở mỗi ngày, khó có thể gọi là văn hóa doanh nghiệp.
Văn hoá doanh nghiệp là quản trị con người. Thế nên gốc rễ của quản trị văn hóa doanh nghiệp đều bắt nguồn từ những vấn đề của con người. Đó là những niềm tin cốt lõi mang tính ngầm định cá nhân (personal assumption), là sự thấu hiểu góc khuất tự nhiên bên trong mỗi người (shadow), hay như thế nào là mức độ thể hiện phù hợp của hình ảnh bên ngoài (persona). |
![]() | Huấn luyện viên Nguyễn Đức Sơn Sáng lập & Giám đốc chiến lược Interloka – Agency tư vấn chiến lược thương hiệu Huấn luyện viên khóa Xây dựng & Quản trị thương hiệu dành cho lãnh đạo và khóa Copywriting to win customers. |
Bình luận