nhà quản trị xuất sắc

Nhà quản trị xuất sắc?

Nội dung dưới đây lấy cảm hứng từ chia sẻ về cuốn sách “CEO excellence” (3 tác giả từ Mc Kinsey) – được giới thiệu và đúc kết bởi doanh nhân Mai Hữu Tín tại hội thảo chuyên môn “Học theo những nhà quản trị xuất sắc” trong Mega Event 2022, sự kiện hằng năm lớn nhất của cộng đồng cựu học viên Plato.

NHÀ QUẢN TRỊ XUẤT SẮC LÀ NGƯỜI GIÀU KHÁT VỌNG

Những doanh nghiệp lớn có danh tiếng đều có xuất phát điểm giống nhau ở vạch đích: một ước mơ lớn của nhà sáng lập. Khát vọng trở thành người xuất sắc nhất là một trong những động lực lớn lao của một nhà quản trị xuất sắc. Một mình khát vọng chiến thắng chưa đủ làm nên chiến thắng. Nhưng không có khát vọng, một lý tưởng lớn lao chắc chắn không thể đứng dậy đi tiếp sau thất bại. Người chiến thắng sau cùng chưa chắc đã là người giỏi nhất. Nhưng người chiến thắng sau cùng đều là những người kiên nhẫn nhất, lì lợm nhất. Điều gì khiến họ trở nên kiên nhẫn và lì lợm để lầm lũi đi tiếp? Chắc chắn đó là khát vọng mãnh liệt bên trong.

TƯ DUY CẠNH TRANH THÔNG MINH

Câu nói thể hiện cho ý này là Not win the game, reframe the game. Cụm từ “Reframe the game” vô cùng hay về tư duy cạnh tranh. Bản chất là định hình lại cuộc chơi bằng đổi mới sáng tạo (về mô hình kinh doanh, về chiến lược sản phẩm khác biệt, về cấu trúc lại chuỗi giá trị…). Có làm được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng đầu tiên phải xuất phát từ cách tiếp cận & cách nhìn nhận về cạnh tranh của lãnh đạo trước. Nếu người đứng đầu lựa chọn phương thức cạnh tranh theo cách truyền thống ai cũng làm thì chắc chắn khó trở thành người tiên phong, vốn là những người mở đường và định hình dẫn dắt cuộc chơi. Các câu chuyện thành công của máy tính Dell, nhãn hàng Olay của P&G, hãng hàng không Southwest Airlines, chuỗi khách sạn Citizen M hay cấp tập đoàn như Haier đều bắt đầu từ tư duy cạnh tranh theo cách làm “reframing the game” thay vì chạy theo game.

NĂNG LỰC KẾT NỐI CON NGƯỜI

Thách thức nhất, và cũng là thú vị nhất, đối với các nhà quản trị là con người. Người đồng sáng lập, ban giám đốc, lãnh đạo cấp trung, nhân viên cấp thừa hành, các nhà đầu tư, và khách hàng. Họ rất khác nhau. Trong công việc thông thường ai cũng dựa vào lý trước. Là quy định, là nguyên tắc, là luật pháp. Nói lý ai cũng làm được. Nhưng nhiều mối quan hệ, nhiều thương vụ làm ăn lý lẽ đầy đủ, chặt chẽ vẫn đổ vỡ chỉ vì thiếu sự thấu hiểu và cảm thông. Tình có thấu thì lý mới đạt. Nói thấu tình đạt lý là vì vậy.
Nhà quản trị xuất sắc cần hiểu biết các quy luật, mô hình, P&L (Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh), những gì thuộc logic khoa học (science). Nhưng trên hết, sự thành công của quản trị đến từ cách các nhà lãnh đạo nghĩ về những vòng tròn quan hệ con người xung quanh họ. “People are the creature of emotion, not the creature of logic” – một đúc kết anh Mai Hữu Tín đã nêu ra ngay từ đầu buổi chia sẻ. Con người là đối tượng quan trọng nhất của quản trị. Họ có cảm xúc, không phải những cỗ máy.
Chiểu theo kinh nghiệm nhiều năm làm việc, tôi khuyên các bạn chỉ nên đo vừa đủ những gì phải đo để quản lý. Chỗ còn lại hãy dành cho lương tri, cho nhân tâm, cho linh tính.
GS. Phan Văn Trường
Cùng nhìn lại một số khoảnh khắc đẹp của cộng đồng Brand Walkers trong buổi hội thảo chuyên môn “Học theo những nhà quản trị xuất sắc” của doanh nhân Mai Hữu Tín:
 
nhà quản trị xuất sắc 1
 
nhà quản trị xuất sắc 2
 
nhà quản trị xuất sắc 3
 
nhà quản trị xuất sắc 6
 
nhà quản trị xuất sắc 4
 
nhà quản trị xuất sắc 5
 
nhà quản trị xuất sắc 6

 

Tác giả:

Ông Nguyễn Đức Sơn
Sáng lập & Giám đốc chiến lược Interloka – Agency tư vấn chiến lược thương hiệu
Huấn luyện viên khóa Xây dựng & quản trị thương hiệu dành cho lãnh đạo và khóa Copywriting to win customers.
 

Bình luận