Ý tưởng lớn trong quản trị chiến lược
Nội dung
David Ogilvy – Bậc thầy quảng cáo
David Ogilvy là tài năng lớn trong ngành quảng cáo. Quãng thời gian làm nghề không dài (14 năm), nhưng Ogilvy đã để lại những chiến dịch để đời có giá trị chuyên môn và hiệu quả đột phá cho thương hiệu. Trong ngành marketing, mỗi giai đoạn đều có những chiến lược gia với các trường phái, triết lý làm nghề khác nhau làm nên tên tuổi của họ. Tất cả đều đáng học hỏi, tra cứu cho những người thế hệ sau làm trong lĩnh vực vừa đòi hỏi tính sáng tạo, nghệ thuật và khoa học này.
Với tôi, David Ogilvy khác biệt với tất cả. Ông là người làm quảng cáo. Các dự án để đời của ông đương nhiên có hàm lượng nội dung sáng tạo xuất sắc. Tôi học được ở ông rất nhiều về tư duy và kỹ thuật copywriting (với hàm ý về viết content, viết quảng cáo). Nhưng điều làm tôi ấn tượng nhất, học hỏi nhiều nhất và đồng cảm nhất ở con người tài năng này không liên quan đến marketing.
Trong cuốn sách “đậm đặc” chất đến từng câu “The confession of an advertising man”, nội dung hầu hết về đúc kết làm nghề của người làm quảng cáo, nhưng điều được gửi gắm đằng sau đó còn giá trị hơn thế. Tôi có cảm tưởng rằng, viết về nghề quảng cáo chỉ như là một phép ẩn dụ để tác giả khám phá bản thân, khám phá cuộc sống, khám phá nghề nghiệp thông qua những đúc kết sâu sắc về triết lý quản trị, triết lý làm nghề, thậm chí triết lý sống. Phải nói rằng rất hiếm tác giả khiến người đọc nhận được giá trị cao hơn cả nội dung chuyên môn họ đề cập như David Ogilvy.
Vai trò của ý tưởng lớn
Đến nay David Ogilvy vẫn là số tác giả hiếm hoi tôi đọc lại nhiều nhất, ngẫm nghĩ nhiều nhất. Tôi học được và ứng dụng trong quản trị chiến lược ở lĩnh vực của mình: branding, sale, văn hoá tổ chức.
Một trong những trích dẫn mà tôi tâm đắc trong “The confession of an advertising man”, đó là về vai trò của ý tưởng lớn (big idea): “Doanh nghiệp có thể “nghiên cứu cho đến ngày tận thế”, nhưng sẽ không bao giờ có được danh tiếng và thành công trừ khi có được ý tưởng lớn đáng giá.”
– Trong quân sự, để chiến thắng được trận đánh lớn, thường nhờ vào chiến lược tiếp cận táo bạo và một ý tưởng lớn dẫn dắt từ người cầm quân.
– Với một quốc gia phát triển thịnh vượng, dù thế hệ lãnh đạo nào, cũng đều hướng đến giá trị, hướng đến lý tưởng dân tộc đó tôn thờ và theo đuổi là gì?
– Với một doanh nghiệp, ý tưởng lớn là giá trị lõi (brand core) làm nên bản sắc riêng của tổ chức. Bản sắc này làm lãnh đạo dấn thân, nhân viên được truyền cảm hứng và đến lượt nó thu hút đối tác khách hàng bên ngoài.
– Ngay cả với một nhãn hàng, giá trị quan trọng nhất mà nó đại diện là gì? Điều gì khiến CEO, đội ngũ bán hàng tự tin nhất và tự hào nhất khi giới thiệu với khách hàng?
Trong công việc tôi đang làm hàng ngày (các dự án tư vấn chiến lược), ý tưởng lớn là phần khó nhất, hay nhất, và cũng thách thức kinh khủng. Vì chính các lãnh đạo doanh nghiệp cũng đang “mò mẫm”, chưa tóm được big idea của doanh nghiệp, của nhãn hàng mình là gì. Không tìm ra vì không thấy idea nào đủ lớn; không tìm ra, vì có quá nhiều lựa chọn nhìn có vẻ lớn nhưng thực tế không phải vậy. Ý tưởng lớn là gì, không hẳn chỉ là câu chữ, không hẳn chỉ vì mục tiêu bán hàng thương mại đơn thuần.
Ý tưởng lớn & Cương lĩnh văn hoá sẽ được gọi là lớn, khi nó như ngọn hải đăng, vừa có chức năng dẫn đường, nhưng cũng là niềm hy vọng, là khát khao và động lực của cả tổ chức, của chính người dẫn đầu.
Huấn luyện viên Nguyễn Đức Sơn Sáng lập & Giám đốc chiến lược Interloka – Agency tư vấn chiến lược thương hiệu Huấn luyện viên khóa Xây dựng & Quản trị thương hiệu dành cho lãnh đạo và khóa Content writing for leadership. |
Bình luận